Bất cứ ai cũng có mưu cầu về hạnh phúc, dù họ là ai, bao nhiêu tuổi hay sinh sống ở đâu. Với nhiều người, hạnh phúc là đích đến, là thứ mà người ta phải cố gắng, phải theo đuổi rất lâu, rất khó khăn mới đạt được. Vậy rốt cuộc hạnh phúc là gì? Làm sao để có được hạnh phúc? Có thực sự phải theo đuổi khó khăn hay đánh đổi để có được hạnh phúc hay không? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về chủ đề này qua bài tổng hợp dưới đây nhé!
Hạnh phúc là gì?
Có thể nói, hạnh phúc là một trong những thứ khó định nghĩa nhất trong cả ngôn ngữ và đời sống. Mỗi người dường như có một cách định nghĩa riêng về hạnh phúc, không ai giống ai.
Có người sẽ thấy hạnh phúc khi có của ăn của để, giàu sang phú quý. Có người thì hạnh phúc giản dị hơn, là gia đình bình an, nhà không cần to rộng nhưng những người thân yêu mạnh khỏe đã là hạnh phúc. Cũng có người hạnh phúc vì cảm thấy hạnh phúc ngay cả trong những điều bình dị nhất như giữa trời nắng nóng mà được uống một ngụm nước mát, thấy lũ cây cối tốt tươi mơn mởn sau một đêm mưa, được ăn một món ăn ngon, đọc thêm được một trang sách sau một ngày bận bịu kiếm sống…
Định nghĩa hạnh phúc ở cấp độ cá nhân rộng và bao la là vậy. Nhưng định nghĩa hạnh phúc trên các phương diện tổng quát như triết học, tâm lý học, phật giáo thì sao? Hãy cùng tìm hiểu tiếp nhé!
Hạnh phúc trong quan điểm triết học
Theo Triết gia Aristotle, hạnh phúc là điều duy nhất mà chúng ta mong muốn vì chính lợi ích của bản thân. Hạnh phúc hoàn toàn khác với những vấn đề như sức khỏe, sự giàu có hay tình bạn.
Triết học cho rằng hạnh phúc thường đi liền với đạo đức. Hạnh phúc cũng không đơn thuần chỉ được xét trong các mối quan hệ trong đời sống mà nó còn bao hàm cả trạng thái cảm xúc, tâm lý của cá nhân. Nhiều nhà đạo đức học phương Tây đều cho rằng hạnh phúc là thứ mà mọi người nên mong cầu và khao khát và bất cứ ai nếu có thể làm ra những hành động khiến người khác hạnh phúc đều xứng đáng được tuyên dương.
Hạnh phúc là gì theo tâm lý học
Hạnh phúc trong tâm lý học được chia ra thành nhiều cấp độ. Ngoài ra, đứng trên quan điểm của tâm lý học tích cực thì hạnh phúc sẽ được đánh giá ở mọi khía cạnh trong cuộc sống, bao gồm cả hồi ức trải nghiệm tình cảm và sự kết hợp của nhiều trạng thái cảm xúc tích cực qua năm tháng.
Hạnh phúc là gì trong quan điểm Phật giáo?
Trong quan điểm Phật giáo, hạnh phúc không phải là của cải và sự giàu có. Hạnh phúc cũng không phải trên phương diện tình ái lứa đôi hay những cảm giác có được từ ngũ dục. Có chăng, những điều kiện trên đem tới cảm giác thoải mái ở mặt nào đó nhưng chúng lại có khả năng khiến người ta u mê, mê lầm, khổ đau trong vòng sinh tử không lối thoát.
Hạnh phúc là giá trị mà Phật giáo cho rằng cá nhân cần phải hành trì thâm sâu, làm chủ ngũ dục thì mới đạt được. Theo đó, mỗi người khi quay về với đời sống tâm linh, tu tập thực sự, trừ tham ái, quay về với chính mình trong giây phút hiện tại thì mới cảm nhận được hạnh phúc thực sự.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một trong những vị tu hành nổi tiếng đã nói rất nhiều về hạnh phúc. Thiền sư cho rằng, hạnh phúc chính là an lạc, không có an thì không có lạc, an trong thân và trong tâm. Nếu con người mà chất chứa quá nhiều sự căng thẳng, stress, thân không an thì tâm làm sao an được? Trong khi đó, tâm còn những cảm giác, cảm xúc khác như giận hờn, tuyệt vọng, bạo động, nếu không có phương pháp cụ thể thì sẽ không thể nhận diện và chuyển hóa được những bất an của tâm.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh thực hành lối tu Tiếp Hiện – tức tiếp xúc, tiếp nhận hiện thực và thực tế cuộc sống. Do vậy, hạnh phúc theo thiền sư chính là đến từ những việc làm thường ngày như hít thở, nói năng, suy nghĩ… hạnh phúc chính là giây phút hiện tại này.
Làm sao để có được hạnh phúc?
Trên quan điểm của y học bằng chứng, để đạt được trạng thái hạnh phúc con người cần buông bỏ những mối thù, hờn giận trong lòng mình. Đây chính là những cảm xúc tiêu cực làm tăng tiết cortisol trong máu. Đặc biệt, hormone này sẽ càng tiết ra nhiều khi chúng ta giận dữ, stress. Nó có thể làm hại tới tim mạch, sự trao đổi chất và hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Ngược lại, nếu trong tâm trí không còn những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực, hoàn toàn chỉ có những ý nghĩ tích cực thì cơ thể sẽ tăng tiết endorphin – một loại “hormone hạnh phúc”. Hormone này giúp các tế bào cơ thể khỏe mạnh hơn, giúp tạo ra các cảm xúc tích cực và còn giúp giảm đau, điều hòa miễn dịch, tăng cường sức khỏe.
Nhìn từ khía cạnh của y học hiện đại cho tới quan điểm của Phật giáo về việc làm sao có được hạnh phúc cũng có nhiều điểm tương đồng. Theo đó, đạo Phật cho rằng cần phải chấm dứt khổ đau thì đó chính là hạnh phúc thực sự.
Tuy nhiên vì bản chất của cuộc đời và con người là vô thường nên hạnh phúc luôn song hành tồn tại với khổ đau. Vì vậy, để có được hạnh phúc, nhà Phật khuyên chúng ta cần thực tập an trú trong giây phút hiện tại, thực sự sống trong giây phút hiện tại.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng viết trong “Con đường thánh thiện” về mối quan hệ giữa hạnh phúc và khổ đau như sau: “Hạnh phúc và khổ đau làm nhân quả cho nhau, không có cái này thì không có cái kia, như sen với bùn. Nếu không có bùn thì không có sen, mà hễ ở đâu có sen thì ta biết nơi đó có bùn. Cũng như hạnh phúc và khổ đau nương vào nhau mà phát hiện. Chạy trốn khổ đau để đi tìm hạnh phúc thì cũng như đi tìm hoa sen ở nơi không có bùn… Nhờ tiếp xúc được với khổ đau, lắng nghe khổ đau thì ta mới phát hiện được cái hiểu biết và cái thương yêu. Hiểu biết và thương yêu là chất liệu làm nên hạnh phúc… Nhìn sâu vào khổ đau, là thấy được bản chất và gốc rễ của khổ đau, ta thấy được con đường thoát khổ, đó là sự thực thứ tư, đạo đế. Sự thực này là con đường đưa tới sự chuyển hóa khổ đau, tạo dựng hạnh phúc…”.
Vì vậy, quá khứ đã qua thì cho nó qua, tương lai chưa tới nên hãy thực sự sống trong giây phút hiện tại để đạt được hạnh phúc!
Tài liệu tham khảo:
- https://giacngo.vn/hanh-phuc-va-hanh-phuc-thuc-su-theo-quan-diem-phat-giao-post31405.html
- https://suckhoedoisong.vn/hanh-phuc-va-dau-kho-quan-diem-cua-thien-su-thich-nhat-hanh-duoi-goc-nhin-cua-y-hoc-bang-chung-169220124150952483.html
- https://vnexpress.net/tu-tuong-hanh-phuc-trong-hien-tai-cua-thien-su-thich-nhat-hanh-4419708.html
- https://langmai.org/tang-kinh-cac/bai-viet/con-duong-thanh-thien/